Thủ tướng Việt Nam thăm Trung Quốc ba năm liên tiếp đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới

CRI, July 4, 2025
Size:

Kể từ năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã ba lần liên tiếp tham dự Diễn đàn Davos Mùa hè tổ chức tại Trung Quốc. Đây là hành động cụ thể nhằm triển khai những nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo hai Đảng, hai nước, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của quan hệ song phương và đưa hợp tác trong các lĩnh vực giữa hai nước lên tầm cao mới. Về vấn đề này, chúng tôi đã mời TS. Đặng Thị Thúy Hà thuộc Viện Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, viết bài bình luận mang chủ đề'Thủ tướng Việt Nam thăm Trung Quốc ba năm liên tiếp, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới', phân tích cụ thể ý nghĩa của chuyến thăm này cũng như tác động đối với sự phát triển quan hệ Việt - Trung. Toàn văn như sau:

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 16 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) từ ngày 24 đến 27-6 theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Diễn đàn Kinh tế thế giới Borge Brende. Đây là lần thứ ba liên tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia hội nghị của WEF tại Trung Quốc, thể hiện sự chủ động và trách nhiệm của Việt Nam trong quản trị kinh tế toàn cầu. Chuyến công tác cũng là một minh chứng cụ thể cho việc triển khai hiệu quả nhận thức chung của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, tinh thần quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng“Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đang kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và cùng triển khai Năm Giao lưu nhân văn.

Trong bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận“Thế kỷ của châu Á đang gặp thách thức?”, Thủ tướng đã chia sẻ về một Việt Nam“đang nghĩ lớn, hành động lớn, cải cách lớn” với“bộ tứ trụ cột chính sách” đột phá về khoa học công nghệ, kinh tế tư nhân, hội nhập quốc tế sâu rộng và cải cách pháp luật. Điều này cho thấy, Việt Nam đang trở thành một bên liên quan có trách nhiệm và chủ động trong quản trị kinh tế toàn cầu trong bối cảnh quốc tế đầy biến động. Những đề xuất của Thủ tướng tại Hội nghị như:“5 tiên phong” và 2 sáng kiến cụ thể về“Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo châu Á” và“Cổng thông tin sáng tạo Châu Á” đã đóng góp tích cực vào khát vọng xây dựng một“Thế kỷ châu Á” hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Tại các buổi làm việc với một số tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực trọng điểm như phát triển hạ tầng, tài chính, thương mại, đầu tư, Thủ tướng mong muốn hai bên có các“dự án biểu tượng lớn” và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực“khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Đây cũng chính là phương hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới: hướng tới đầu tư chất lượng cao hơn, mang tính chiến lược hơn và phù hợp với các mục tiêu phát triển quốc gia dài hạn của Việt Nam.

9 biên bản ghi nhớ (MOUs) đã được ký kết giữa các doanh nghiệp hai nước liên quan đến các lĩnh vực hợp tác chiến lược quan trọng như năng lượng, phát triển đường sắt, công nghệ thông tin, viễn thông, bất động sản, vận tải và xuất nhập khẩu hàng hóa. Điều này cho thấy, hai bên đang tích cực đưa nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao thành các dự án hợp tác cụ thể, tạo môi trường hấp dẫn hơn cho đầu tư và phương mại song phương. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hợp tác trong các lĩnh vực này là“không có giới hạn”.

Chuyến công tác đã tạo ra những động lực mới và mở ra triển vọng tươi sáng cho quan hệ Việt – Trung trên nhiều phương diện.

Thứ nhất, đẩy mạnh hợp tác thương mại – đầu tư. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc đạt gần 93 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2025, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 69,35 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 39,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước; Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với kim ngạch ước đạt 23,5 tỷ USD, tăng 3,2%. Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Trung Quốc cũng trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba vào Việt Nam về vốn đăng ký mới với 1,81 tỷ USD và 453 dự án mới. Đến nay, doanh nghiệp của Trung Quốc đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế có FDI và có mặt tại 55/63 tỉnh, thành của Việt Nam.

Việc ký kết 9 biên bản ghi nhớ trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng, đường sắt, công nghệ thông tin, viễn thông, bất động sản, vận tải và xuất nhập khẩu hàng hóa cho thấy cam kết mạnh mẽ của cả hai bên trong việc thúc đẩy hợp tác cụ thể và tạo môi trường hấp dẫn hơn cho đầu tư và thương mại song phương. Các biên bản ghi nhớ đã được ký kết trong các lĩnh vực này sẽ được chuyển thành các dự án và thỏa thuận cụ thể hơn trong thời gian tới.

Thứ hai, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực hợp tác mới và tiềm năng. Việt Nam đang hưởng lợi từ chiến lược“Trung Quốc +1” dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu của các quốc gia. Các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, ngoài tiếp cận thị trường còn nhằm định tuyến lại chuỗi cung ứng, tận dụng cạnh tranh về chi phí lao động, giảm thiểu tác động của các rào cản thương mại, trong đó có thuế quan của Mỹ. Hai bên đang có sự tập trung chiến lược vào các lĩnh vực hợp tác mới và tiềm năng. Các lĩnh vực hợp tác này cũng cho thấy sự điều chỉnh nâng cấp cơ cấu kinh tế và chuỗi giá trị của mỗi nước, và hai bên tận dụng thế mạnh của nhau để đạt được mục tiêu phát triển. Do đó, trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các dự án hạ tầng chiến lược như đường sắt, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ và phát triển công nghiệp hỗ trợ; Hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, đối mới sáng tạo, tài chính sẽ được ưu tiên. Đây có thể là những động lực tăng trưởng mới cho sự phát triển kinh tế của mỗi nước cũng như quan hệ kinh tế song phương trong bối cảnh mới.

Thứ ba, làm sâu sắc thêm sự tin cậy chính trị. Chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng đã góp phần làm sâu sắc thêm sự tin cậy chính trị giữa hai nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính lần thứ 3 liên tiếp tham gia WEF tổ chức tại Trung Quốc theo lời mời của nước này cho thấy sự coi trọng của Trung Quốc đối với Việt Nam và ngược lại; thể hiện hình ảnh quan hệ song phương vững chắc và ổn định trước dư luận trong và ngoài nước; thể hiện rõ ràng mong muốn duy trì và củng cố tin cậy chính trị của hai bên trong bối cảnh môi trường toàn cầu đầy biến động phức tạp, tạo ra các kênh hiệu quả hơn để thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hai nước.

Có thể nói, với nhiều kết quả quan trọng đã đạt được, chuyến công tác của Thủ tướng sẽ tạo động lực mới, làm sâu sắc thêm sự tin cậy chính trị và mở ra nhiều cơ hội mới, không gian mới quan trọng cho hợp tác đầu tư và thương mại giữa hai nước. Với những thỏa thuận và cam kết đã đạt được, đặc biệt trong các lĩnh vực mới và tiềm năng như hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo, triển vọng quan hệ Việt – Trung thời gian tới là rất tích cực, hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung của cả hai quốc gia.

Nguồn: CMG