Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính liên tiếp ba năm đến Trung Quốc tham dự Diễn đàn Davos Mùa hè, điều này không chỉ thể hiện sự coi trọng của Thủ tướng Việt Nam đối với Diễn đàn này mà còn cho thấy sự ghi nhận và ý nghĩa quan trọng của Diễn đàn Davos đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Trước hết, đây là cơ hội quan trọng để Việt Nam giới thiệu thành tựu phát triển của mình với thế giới. Việt Nam đang triển khai công tác chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng, đồng thời sắp bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, hướng tới thực hiện"hai mục tiêu 100 năm", bao gồm mục tiêu kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước. Trong giai đoạn then chốt này, việc Thủ tướng Việt Nam tham dự Diễn đàn Davos Mùa hè chính là dịp quan trọng để xuất hiện trên vũ đài quốc tế, thể hiện quyết tâm và các biện pháp của Việt Nam trong việc nỗ lực đạt được mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Tiếp theo, đây cũng là nền tảng quan trọng để Việt Nam mở rộng tiếp xúc với giới kinh tế thế giới. Diễn đàn Davos Mùa hè không chỉ là nơi tụ hội các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu mà còn là kim chỉ nam cho sự phát triển kinh tế trong tương lai. Diễn đàn năm nay thu hút hơn 1.700 đại biểu đến từ hơn 90 quốc gia và khu vực tham dự, sẽ tạo ra nhiều cơ hội thị trường rộng lớn, mở rộng không gian hợp tác xuyên quốc gia. Việc Thủ tướng Việt Nam dẫn đầu đoàn doanh nghiệp tham dự diễn đàn sẽ góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam hội nhập với thế giới, đồng thời đóng góp trí tuệ Việt Nam vào việc thúc đẩy sự phát triển ổn định của kinh tế toàn cầu.
Thứ ba, đây còn là biện pháp quan trọng nhằm tăng cường sự kết nối với các doanh nghiệp và quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước Trung - Việt. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, việc Diễn đàn Davos Mùa hè lần này được tổ chức thành công chính là minh chứng sống động cho quan hệ hợp tác hữu nghị lâu dài giữa giới doanh nghiệp hai nước Trung - Việt. Diễn đàn lần này tập trung vào tình hình phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và tiềm năng ứng dụng trong các lĩnh vực, với những tiến bộ nổi bật của Trung Quốc trong lĩnh vực AI, không chỉ mang lại động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Trung Quốc mà còn hứa hẹn tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại như hiện nay, đặc biệt là khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động“cuộc chiến thuế quan” toàn cầu, kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì tăng trưởng ổn định, qua đó cung cấp sự hỗ trợ quan trọng cho kinh tế toàn cầu. Năm 2024, Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 5%, tỷ lệ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế thế giới duy trì ở mức khoảng 30%, tiếp tục là động lực quan trọng của kinh tế toàn cầu. Kinh tế Việt Nam cũng đang phát triển song hành cùng kinh tế Trung Quốc. Các lãnh đạo Việt Nam nhiều lần khẳng định tin tưởng Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển và phát huy vai trò quan trọng của mình trong các vấn đề toàn cầu về phát triển, an ninh và văn minh. Tổng Bí thư Tập Cận Bình cũng nhiều lần nhấn mạnh, hai nước Trung - Việt cần làm sâu sắc hơn nữa việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung - Việt, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của châu Á và thế giới. Trong bối cảnh đó, hai nước cần tăng cường hợp tác, cùng nhau bảo vệ thương mại tự do và hệ thống thương mại đa phương, cùng thúc đẩy quá trình đa cực hóa thế giới bình đẳng, có trật tự và toàn cầu hóa kinh tế mang tính phổ quát, bao trùm.
Những năm gần đây, quan hệ hai nước phát triển ngày càng gắn bó, đặc biệt hơn một năm qua, việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung - Việt đã đạt được khởi đầu thuận lợi. Trung Quốc liên tục hơn 20 năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, năm 2024 kim ngạch thương mại song phương vượt 260 tỷ USD. Hợp tác chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng giữa hai nước ngày càng chặt chẽ. Ngày càng nhiều nông sản chất lượng cao của Việt Nam như sầu riêng, dừa…đã đến với hàng triệu hộ gia đình Trung Quốc. Kết nối đường sắt và xây dựng cửa khẩu thông minh giữa hai nước tiến triển thuận lợi, các dự án năng lượng sạch như điện mặt trời, điện rác góp phần đảm bảo nguồn điện cho Việt Nam, tuyến đường sắt đô thị số 2 tại Hà Nội do doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng đã mang lại sự thuận tiện cho người dân trong việc đi lại. Hai nước cùng nhau phát triển, cùng giúp nhau đạt được thành công là minh chứng sinh động cho sự đoàn kết hợp tác giữa các nước phương Nam toàn cầu.
Bước tiếp theo, hai nước cần tăng cường hơn nữa việc kết nối chiến lược phát triển, triển khai hiệu quả quy hoạch hợp tác giữa hai chính phủ trong việc gắn kết sáng kiến“Vành đai và Con đường” với“Hai hành lang, Một vành đai” theo nhận thức chung quan trọng mà Tổng Bí thư hai Đảng đã đạt được, qua đó tạo dựng thêm nhiều nền tảng hợp tác về kinh tế và kỹ thuật.
Thứ nhất, Trung Quốc và Việt Nam cần đẩy nhanh hợp tác dự án 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn ở miền Bắc Việt Nam, xây dựng cửa khẩu thông minh. Trong cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng lần này, hai bên đều nhắc đến việc triển khai đồng bộ 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối hai nước, thúc đẩy kết nối đường sắt Trung - Việt.
Thứ hai, hai bên có thể tăng cường hợp tác chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng, tăng cường kết nối thị trường và ngành nghề, cùng nhau vun đắp và phát triển động lực kinh tế mới.
Thứ ba, với việc Trung Quốc nổi bật trên toàn cầu trong các lĩnh vực năng lượng mới, trí tuệ nhân tạo và phim hoạt hình, hai bên có thể mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như 5G, trí tuệ nhân tạo, phát triển xanh, để mang lại lợi ích tốt hơn cho nhân dân hai nước.
Thứ tư, Trung Quốc hoan nghênh ngày càng nhiều hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, đồng thời khuyến khích nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Davos Mùa hè tổ chức tại Thiên Tân có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước Trung - Việt phát triển đúng hướng theo nhận thức chung quan trọng của Tổng Bí thư hai Đảng, đồng thời mang lại nhiều lợi ích hơn cho hai nước và nhân dân hai nước, đóng góp lớn hơn cho hòa bình, ổn định và phát triển của châu Á và thế giới.
Nguồn: CMG