Trong khuôn khổ “Tuần lễ Lan Thương-Mekong” lần thứ 8, Hội thảo về kỹ thuật và mô hình quản lý thúc đẩy chung sống hài hòa giữa người và voi của khu vực Lan Thương-Mekong đã được tổ chức tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam. Tại hội thảo, đại diện của Trung Quốc, Campuchia, Lào và các nước khác đã cùng nhau thành lập Nền tảng hợp tác nghiên cứu bảo tồn voi châu Á của các nước khu vực Lan Thương-Mekong, nhằm tăng cường hơn nữa việc nghiên cứu hợp tác cấp khu vực, tạo ra kết quả nghiên cứu có sức ảnh hưởng lớn, đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn quần thể voi châu Á.
Sáu nước Lan Thương-Mekong là nơi phân bố quan trọng của voi châu Á, với số lượng quần thể hoang dã khoảng 6.400-7.900 cá thể, chiếm 15%-20% tổng số quần thể voi hoang dã toàn cầu.
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia và học giả đến từ Trung Quốc, Campuchia, Lào và các nước khác khu vực Lan Thương-Mekong đã thảo luận sâu xoay quanh chủ đề"Bảo tồn voi châu Á và phát triển bền vững cộng đồng tại khu vực Lan Thương-Mekong" và đạt được sự đồng thuận tích cực. Trong thời gian tới, các nước Lan Thương-Mekong sẽ tăng cường chia sẻ kỹ thuật, nâng cao năng lực và phối hợp chính sách trong lĩnh vực bảo tồn voi châu Á, thúc đẩy xây dựng cơ chế hợp tác bảo tồn ổn định, hiệu quả lâu dài, cùng nghiên cứu giải pháp kỹ thuật và mô hình quản lý có thể nhân rộng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại khu vực với sự chung sống hài hòa giữa con người và voi.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn voi châu Á thông qua tăng cường đảm bảo chính sách và đầu tư tài chính, tích cực triển khai bảo tồn và phục hồi sinh cảnh, xây dựng hành lang sinh thái, thúc đẩy thành lập Vườn quốc gia voi châu Á, tăng cường hệ thống giám sát và cảnh báo quần thể, để đảm bảo số lượng quần thể hoang dã duy trì xu hướng tăng. Hiện nay, quần thể voi châu Á hoang dã của Trung Quốc đã vượt quá 300 cá thể.