Thúc đẩy hợp tác hai nước Việt-Trung chuyển từ “lượng” sang “chất”

CRI, April 8, 2025
Size:

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam, cũng là Năm Giao lưu nhân văn Trung-Việt. Tại cột mốc lịch sử quan trọng này, làm thế nào để thúc đẩy hợp tác sâu rộng và phát triển quan hệ song phương là vấn đề được giới học thuật Trung-Việt đặc biệt quan tâm. Về vấn đề này, chúng tôi đã mời PGS. TS Nguyễn Viết Thảo, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Việt Nam viết bài bình luận với nhan đề Thúc đẩy hợp tác hai nước Việt-Trung chuyển từ“lượng” sang“chất” cũng như chia sẻ, nhận định và kỳ vọng của ông về triển vọng phát triển quan hệ hai nước.

PGS. TS Nguyễn Viết Thảo, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Việt Nam

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có vị trí, vai trò chiến lược hàng đầu. Đó là quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng gần gũi,“núi liền núi, sông liền sông”, là quan hệ giữa hai quốc gia xã hội chủ nghĩa đang ở vị trí hàng đầu trong phong trào cộng sản quốc tế và là quan hệ giữa nhân dân hai nước bạn bè truyền thống lâu năm. Thực tiễn sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội của hai nước đã chứng minh, tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác là một trong những yếu tố đảm bảo cho hai Đảng Cộng sản, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2025 đánh dấu cột mốc lịch sử trọng đại: kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc; đồng thời, là“Năm Giao lưu Nhân văn Việt - Trung” do hai nước cùng xác định.

Nhìn lại chặng đường từ khi thiết lập quan hệ năm 1950, quan hệ Việt - Trung đã vượt qua nhiều thử thách, không ngừng phát triển ổn định trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Đặc biệt những năm gần đây, dưới sự dẫn dắt chiến lược của lãnh đạo cấp cao hai nước, quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu, từ“đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” tiến tới xây dựng“Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược”, với những thành tựu hợp tác phong phú, góp lực lượng quan trọng vào hòa bình và phát triển của khu vực và thế giới.

Đứng trước thềm kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ, quan hệ Việt - Trung đang đón nhận cơ hội hợp tác ở tầm cao mới, trên diện rộng hơn và chiều sâu hơn:

Hợp tác kinh tế - thương mại luôn là nền tảng của quan hệ Việt - Trung. Trong hơn ba thập kỷ qua, quy mô thương mại song phương đã tăng trưởng vượt bậc. Từ mức vài chục triệu USD năm 1991 khi bình thường hóa quan hệ, tổng giá trị kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 2000 tỷ USD vào năm 2024, tăng hơn 6400 lần. Con số này không chỉ phản ánh tính bổ sung của hai nền kinh tế, mà còn cho thấy sự hội nhập sâu rộng giữa hai thị trường. Trung Quốc liên tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong khi đó, năm 2024, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc trên toàn cầu, là“đầu tàu” thương mại với Trung Quốc trong ASEAN.

Trong lĩnh vực đầu tư, dòng vốn Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục gia tăng. Năm 2024, Trung Quốc trở thành nguồn vốn FDI lớn thứ ba của Việt Nam với tổng vốn đầu tư 4,732 tỷ USD; đồng thời, dẫn đầu về số dự án mới. Hai tháng đầu năm 2025, đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam đạt 679,8 triệu USD, tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng. Các dự án không chỉ tập trung vào lĩnh vực truyền thống như sản xuất và kết cấu hạ tầng, mà đang mở rộng sang lĩnh vực mới như kinh tế số, năng lượng xanh… Các nhà máy điện mặt trời, dự án đô thị thông minh do doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư xây dựng đang góp phần thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số Việt Nam.

Đáng chú ý là, tiềm năng hợp tác thương mại nông sản giữa hai nước rất lớn. Các mặt hàng chất lượng cao như sầu riêng, thanh long, cá tra của Việt Nam đã vượt qua các tiêu chuẩn kiểm dịch nghiêm ngặt, đến tay người tiêu dùng Trung Quốc. Trung Quốc hiện vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong tương lai, hai bên có thể tối ưu hóa thủ tục thông quan, mở rộng tiếp cận thị trường cho nông sản giá trị cao, cùng xây dựng chuỗi cung ứng nông sản khu vực.

Hạ tầng kết nối là điểm sáng khác trong hợp tác Việt - Trung. Năm 2024, hai nước đã nhất trí đẩy nhanh hợp tác triển khai 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng. Sau khi khánh thành, các tuyến này sẽ nâng cao hiệu quả vận tải đường bộ, giảm chi phí logistics, thúc đẩy hội nhập khu vực kinh tế phía Bắc Việt Nam tới miền Tây Nam Trung Quốc.

Cửa khẩu biên giới cũng được nâng cấp mạnh mẽ. Hệ thống thông quan thông minh tại cửa khẩu Hữu Nghị quan, Móng Cái giúp rút ngắn khoảng 30% thời gian vận chuyển. Năm 2025, hai bên dự kiến thành lập thêm các khu kinh tế hợp tác biên giới, chuyển đổi từ“kinh tế cửa khẩu” sang“kinh tế công nghiệp”. Các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới có thể thu hút nhiều doanh nghiệp hai nước, tập trung phát triển chế biến, thương mại điện tử, trở thành hình mẫu hợp tác khu vực.

Nếu hợp tác kinh tế là“trụ cột cứng” thì giao lưu nhân văn chính là“sức mạnh mềm” của tình hữu nghị Việt - Trung. Việc khởi động“Năm Giao lưu Nhân văn Việt - Trung 2025” đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch. Hướng tới tương lai, tôi cho rằng quan hệ đối ngoại nhân dân Việt - Trung cần sâu sắc hơn nữa trên các định hướng sau đây:

Một là, tăng cường tin cậy chính trị ở mức độ cao hơn. Hai bên cần phát huy vai trò dẫn dắt của giao lưu đảng, thông qua các chuyến thăm cấp cao, đối thoại chiến lược để kịp thời tháo gỡ bất đồng, vun đắp tình hữu nghị“vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Năm 2025, nhân dịp kỷ niệm 75 năm, hai nước có thể tổ chức thêm nhiều hoạt động ý nghĩa để vạch lộ trình hợp tác trong giai đoạn mới.

Thứ hai, nâng cao hơn nữa chất lượng hội nhập kinh tế. Đẩy nhanh kết nối quy tắc trong khuôn khổ Hiệp định RCEP, thúc đẩy hợp tác thương mại điện tử, thanh toán số. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm“tuần hoàn kép” của Trung Quốc, xây dựng vành đai kinh tế xuyên biên giới hướng tới chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ ba, kết nối hạ tầng hiệu quả hơn. Tập trung triển khai ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, đồng thời quy hoạch các khu công nghiệp dọc tuyến, tạo thế liên kết“giao thông - công nghiệp - đô thị”. Ngoài ra, hai bên có thể nghiên cứu thành lập“Quỹ hạ tầng xanh” hỗ trợ dự án năng lượng tái tạo.

Thứ tư, đẩy mạnh giao lưu nhân văn sâu sắc. Tạo thêm cơ hội học bổng du học, khuyến khích kết nghĩa giữa các địa phương, để ngọn lửa hữu nghị truyền đến các thế hệ sau.

75 năm đồng hành, quan hệ Việt - Trung đang đứng ở vị thế lịch sử mới. Nhớ lại quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người sớm định nghĩa“Mối tình hữu nghị Việt - Hoa; vừa là đồng chí vừa là anh em”, chúng ta tin rằng hạt giống hữu nghị do các thế hệ lãnh đạo tiền bối gieo trồng, sẽ ngày càng sum xuê hoa trái. Hướng tới tương lai, trên cơ sở hai bên kiên định phương châm“Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện”, lấy kỷ niệm 75 năm và Năm Giao lưu Nhân văn làm động lực, thúc đẩy hợp tác chuyển từ“lượng” sang“chất”, cộng đồng chia sẻ tương lai Việt – Trung có ý nghĩa chiến lược chắc chắn sẽ đem lại nhiều thành tựu mới.

Nguồn: CMG