Hoa Vân Nam, hương thơm lan tỏa sang Việt Nam

CRI, April 4, 2025
Size:

Hiện đang là mùa xuân, muôn hoa đua nở, rực rỡ sắc màu. Là một trong những vùng sản xuất hoa quan trọng nhất của Trung Quốc, tỉnh Vân Nam – nơi giáp ranh với Việt Nam đang bước vào mùa cao điểm tiêu thụ và xuất khẩu hoa. Ngày 20/3, 900 cành hoa loa kèn từ Khu công nghiệp hoa hiện đại Lệ Giang, Vân Nam, sau khi qua kiểm dịch hải quan đã được vận chuyển bằng chuyến bay thẳng quốc tế“Lệ Giang – TP. Hồ Chí Minh” xuất khẩu thành công sang Việt Nam.

Ông Vạn Gia, người phụ trách Công ty Công nghệ nghệ thuật cây cảnh Sắc Mã Lệ Giang, cho biết:“Công ty chúng tôi chủ yếu làm hoa loa kèn màu. Năm ngoái, chúng tôi đã xuất khẩu thành công hoa tươi cắt cành sang Việt Nam và Singapore. Năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng thị trường Nam Á và Đông Nam Á”.

Vân Nam được mệnh danh là“Vương quốc thực vật”, với điều kiện khí hậu và địa lý đặc biệt tạo nên nguồn tài nguyên hoa phong phú. Cùng với Kenya, Ethiopia (châu Phi), Ecuador và Colombia (Nam Mỹ), Vân Nam được xem là một trong ba khu vực sản xuất hoa lớn nhất thế giới.

Các loại hoa thế mạnh của Vân Nam bao gồm hoa hồng, cẩm chướng, lily, cát tường, đồng tiền và cẩm tú cầu. Tính đến cuối năm 2024, diện tích trồng hoa của tỉnh Vân Nam ổn định ở mức khoảng 130.000 hecta, trong đó diện tích trồng hoa tươi cắt cành là 23.300 hecta. Năm 2024, sản lượng hoa tươi cắt cành của Vân Nam đạt 20,6 tỷ cành, đứng đầu thế giới, kim ngạch xuất khẩu tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước.

Chợ hoa Đấu Nam, thành phố Côn Minh là trung tâm giao dịch hoa cắt cành lớn nhất châu Á, mỗi ngày có 117 loại hoa với hơn 1.600 giống được đưa ra thị trường. Gần 70% hoa tươi cắt cành của Trung Quốc được phân phối từ đây đến các tỉnh thành tại Trung Quốc và quốc tế.

Hoạt động giao dịch hoa tại chợ Đấu Nam diễn ra theo ba hình thức: giao dịch trực tiếp, đấu giá và thương mại điện tử.“Hoa Dịch Bảo” là một nền tảng thương mại điện tử kết nối nông dân và thương nhân buôn bán hoa, với hơn 4.000 hộ nông dân và hợp tác xã đã đăng ký. Năm 2024, nền tảng này đã cung cấp 873 triệu cành hoa cho người tiêu dùng.

Công ty Công nghệ Hoa Dịch Bảo được thành lập năm 2016 và bắt đầu kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới từ năm 2023, với thị trường đầu tiên là Việt Nam. Giám đốc bộ phận quốc tế của công ty, ông Tạ Diệu Vinh, cho biết:“Từ năm 2004, Việt Nam luôn là thị trường xuất khẩu hoa lớn nhất của Vân Nam. Tháng 1/2024, tôi đã dẫn đoàn đến Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Lào Cai để tìm đối tác. Sau nửa năm khảo sát, chúng tôi đã tìm được một đối tác phù hợp tại Lào Cai, người này sở hữu nhà xưởng rộng 6.000 m² và chúng tôi đã đầu tư một kho lạnh tại đây”.

Hiện tại, công ty này đã gần như hoàn tất quy trình xuất khẩu hoa sang Việt Nam theo mô hình đặt hàng trong ngày – giao hàng ngày hôm sau. Ông Tạ Diệu Vinh chia sẻ:“Người dân Việt Nam có truyền thống mua hoa tươi để đón Tết. Đầu tháng 1 năm nay, mỗi ngày chúng tôi vận chuyển từ 1 đến 2 xe hoa sang Việt Nam, đến ngày 15/1 con số này tăng lên 8 xe. Trong đó, mỗi ngày có thể bán được 200.000 bó mai sáp và 100.000 bó mao lương, mỗi bó nặng khoảng 300 gram”.

Tương tự như Vân Nam, Việt Nam cũng có khí hậu thích hợp để trồng hoa và có lịch sử lâu đời trong ngành này. Hoa Việt Nam đa dạng về chủng loại, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Australia, Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Những năm gần đây, hợp tác giữa ngành hoa Vân Nam và Việt Nam ngày càng chặt chẽ. Ngoài thương mại điện tử xuyên biên giới, một số công ty hoa Vân Nam cũng đã thành lập cơ sở trồng hoa tại khu vực miền Trung Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, ngành hoa hai nước có những lợi thế riêng, tạo ra không gian hợp tác rộng lớn trong tương lai. Việc cùng nhau khai thác thị trường quốc tế và tận dụng lợi thế của mỗi bên sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hoa hai nước trên thị trường thế giới.

Nguồn: CMG