Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc Nguyễn Vinh Quang
Năm 2025 là kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam. Lãnh đạo hai phía cũng đã nhất trí coi năm nay là năm giao lưu nhân văn hai nước Trung - Việt. Trong bối cảnh các hoạt động giao lưu, hợp tác song phương đang diễn ra sôi nổi, chúng tôi đã có buổi trao đổi với nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, về vai trò của đối ngoại nhân dân trong mối quan hệ hai nước và một số công tác đối ngoại nhân dân nổi bật những năm gần đây.
Theo chuyên gia Nguyễn Vinh Quang, đối ngoại nhân dân đã được khẳng định là một trong 3 trụ cột đối ngoại của Việt Nam (bên cạnh đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước) từ rất sớm. Đặc biệt, từ cuộc kháng chiến chống Mỹ và những năm gần đây, vai trò của đối ngoại nhân dân ngày càng được coi trọng và phát huy tác dụng rõ rệt.
Là người đã có 47 năm theo dõi tình hình Trung Quốc và quan hệ Việt-Trung, đồng thời đảm nhận các vị trí công tác trong cả 3 kênh nói trên, ông Nguyễn Vinh Quang khẳng định ngày càng thấy rõ vai trò và những đóng góp hiệu quả của đối ngoại nhân dân trong quan hệ với Trung Quốc. Ở kênh đối ngoại Đảng, Nguyễn Vinh Quang từng là Vụ trưởng vụ Trung Quốc – Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; ở kênh Ngoại giao nhà nước, ông từng là Công sứ, phó Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc. Ở kênh đối ngoại nhân dân, ông đã đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Trung trong suốt 13 năm qua.
“Trong quan hệ với Trung Quốc, quan hệ nhân dân có vị trí đặc biệt nổi bật hơn đối với các quốc gia khác. Vì không những hai nước có chung biên giới dài đến hàng ngàn km mà hai bên có truyền thống giao lưu hàng ngàn năm nay. Xét về nền tảng văn hoá, hai dân tộc có ảnh hưởng lẫn nhau nên dễ hiểu nhau hơn, còn gọi là“văn hoá tương thông”,” ông Nguyễn Vinh Quang cho biết.
Theo nhà ngoại giao Việt Nam, Từ khi quan hệ hai nước bình thường hoá năm 1991, các mối quan hệ giữa các bộ-ngành từ Trung ương đến địa phương, giữa các tổ chức quần chúng hai nước từng bước được khôi phục, trong đó, quan hệ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam với Hiệp hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc hoạt động trở lại bình thường. Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc và Hội hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam tiến hành các hoạt động giao lưu, thông báo tình hình, trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ một số vướng mắc.
“Sau nhiều năm kể từ khi quan hệ bình thường hoá, các hoạt động giao lưu trở nên thông thoáng hơn, độ tin cậy tăng lên rõ rệt, nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề trong quan hệ ảnh hưởng đến lòng dân, đến dư luận xã hội của cả hai bên.“Diễn đàn nhân dân Việt-Trung” được thành lập và tổ chức luân phiên giữa hai nước bắt đầu từ cuộc họp đầu tiên tháng 4/2010 tại Việt Nam. Đây là diễn đàn thảo luận khá cởi mở, nêu ra những vấn đề vướng mắc tồn tại trong dư luận mỗi nước và đề xuất giải pháp xử lý. Trên thực tế 12 cuộc thảo luận của diễn đàn thời gian qua đã đóng góp cùng với ngoại giao nhà nước và đối ngoại Đảng tháo gỡ một số tồn tại đáng kể trong dư luận nhân dân, được lãnh đạo hai bên đánh giá cao,” vị chuyên gia cho hay.
Hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước tuy không thành định kỳ nhưng được tổ chức nhân dịp có những sự kiện quan trọng của mỗi nước hoặc của quan hệ hai nước. Đặc biệt gây ấn tượng là cuộc giao lưu nhân dân biên giới“Du lịch đỏ - Theo dấu chân Bác Hồ và Liên hoan nhân dân biên giới Việt-Trung” năm 2015 nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Bác Hồ. Hoạt động này đã diễn ra tại nhiều địa điểm của Quảng Tây, như cửa khẩu Đông Hưng, thành phố Phòng Thành Cảng (Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây) địa danh mang dấu ấn lịch sử của quan hệ Việt-Trung, nơi xuất phát của những chuyến tàu chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam; thành phố Sùng Tả, Tĩnh Tây nơi Bác Hồ từng hoạt động và bí mật qua lại nhiều lần. Hàng ngàn nhân dân Việt Nam và địa phương Trung Quốc tham dự các hoạt động này. Đặc biệt, trong dịp này lãnh đạo địa phương Trung Quốc và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã dự lễ khánh thành“Nhà kỷ niệm Hồ Chí Minh với nhân dân dân tộc Choang” tại Tịnh Tây (Quảng Tây).
“Chúng tôi đánh giá cao các cuộc giao lưu nhân dân giữa các tỉnh biên giới hai nước với hình thức phong phú, đa dạng như hội thảo, giao lưu văn nghệ, thi tìm hiểu chủ đề về quan hệ hai nước v.v…, rất hiệu quả. Các cuộc gặp gỡ hữu nghị giữa thanh niên hai nước với quy mô hàng ngàn thanh niên tham gia v.v… là những hoạt động đối ngoại nhân dân có ý nghĩa“hướng tới tương lai” như trong“phương châm 16 chữ”. Các hoạt động gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị hai nước mỗi dịp lãnh đạo cấp cao thăm lẫn nhau do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đối tác Trung Quốc tổ chức cũng gây ấn tượng sâu sắc cho lãnh đạo cấp cao, đồng thời có tác dụng lan toả trong giới nhân sĩ tâm huyết với quan hệ Việt-Trung,” ông Nguyễn Vinh Quang đưa ví dụ.
Nhiều buổi diễn thuyết tại các diễn đàn công khai về quan hệ hai nước được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam hoặc Hội hữu nghị Việt-Trung tổ chức thu hút đông đảo người nghe. Đơn cử như các buổi nói chuyện tực tuyến chủ đề“Bác Hồ với Trung Quốc” tổ chức tại Hội, kết nối với khoảng 40 đầu cầu ở các địa phương, sau đó các địa phương lại mời báo cáo viên của Hội về nói chuyện trực tiếp.
Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc cho rằng, yếu tố Hồ Chí Minh trong quan hệ Việt-Trung có ý nghĩa như một cầu nối vĩnh cửu tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước, là yếu tố giúp công tác tuyên truyền với nhân dân hai nước đạt hiệu quả cao. Mục đích của công tác tuyên truyền là làm cho nhân dân hai nước hiểu sâu hơn về quan hệ, định hướng dư luận đi đúng với chủ trương của hai Đảng, làm cho quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định.
Ông cho biết, phía Việt Nam cũng có nhiều“hoạt động tri ân” đối với những người Trung Quốc đã hy sinh cho hai cuộc kháng chiến của Việt Nam như tiếp và nói chuyện với các đoàn cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ Trung Quốc thăm Việt Nam; tham gia cùng Đại sứ quán Trung Quốc tảo mộ hàng năm tại các nghĩa trang liệt sĩ Trung Quốc ở Việt Nam nhân dịp Thanh minh hoặc ngày kỷ niệm liệt sĩ của Trung Quốc v.v… Đây là những hoạt động có ý nghĩa, khẳng định Việt Nam không bao giờ quên những đóng góp của Đảng và nhân dân Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam, chống lại luận điệu xuyên tạc“Việt Nam vong ân, bội nghĩa”.
“Đã có lần tôi nhìn thấy một người phụ nữ trong đoàn, thân nhân của liệt sĩ Trung Quốc hy sinh tại Việt Nam, khóc sau buổi tiếp và nói chuyện của lãnh đạo Hội. Khi được hỏi bà trả lời:“Tôi không ngờ Việt Nam đối xử tốt với anh tôi như vậy. Tôi sẽ về kể cho mẹ tôi nghe để bà yên tâm. Bà đã gần 100 tuổi”,” ông Nguyễn Vinh Quang xúc động kể.
Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2023 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, lãnh đạo hai bên đã thống nhất nêu định hướng“6 hơn” làm mục tiêu phấn đấu để xây dựng“cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược”, cụ thể đó là: (1) Tin cậy chính trị cao hơn; (2) Hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn; (3) Hợp tác thực chất sâu sắc hơn; (4) Nền tảng xã hội vững chắc hơn; (5) Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn và (6) Bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Vinh Quang,“Tin cậy chính trị cao hơn” là bao trùm tất cả, phần còn lại là các lĩnh vực cụ thể.“Nền tảng xã hội vững chắc hơn” mà phía Trung Quốc diễn đạt là“Nền tảng lòng dân vững chắc hơn” chính là nói về dư luận xã hội, là lòng dân, cũng chính là một trong những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai nước hiện nay.
“Với tư cách là những người làm công tác đối ngoại nhân dân, chúng tôi hiểu rằng đây chính là nhiệm vụ cao cả lãnh đạo đang tin tưởng giao phó. Lãnh đạo hai bên đã nhất trí năm 2025 là năm giao lưu nhân văn, thiết thực kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị Việt-Trung cùng phối hợp phía Trung Quốc, đã định ra kế hoạch và sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung kế hoạch và sáng kiến mới, thúc đẩy hơn nữa hoạt động giao lưu giữa nhân dân hai nước”, ông Nguyễn Vinh Quang khẳng định./.
Phóng viên: Thanh Xuân
Nguồn: CMG