Trung Quốc ngày nay: Trung Quốc phát triển dịch vụ “tích hợp chăm sóc và giáo dục trẻ nhỏ”

CRI, March 14, 2025
Size:

Vấn đề nuôi dạy con cái ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình Trung Quốc. Theo dữ liệu từ Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia, Trung Quốc hiện có gần 30 triệu trẻ dưới 3 tuổi, với hơn 30% gia đình có nhu cầu gửi con vào các cơ sở chăm sóc. Sáng ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tuyên bố trong báo cáo chính phủ rằng, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh phát triển dịch vụ tích hợp chăm sóc và giáo dục trẻ nhỏ.

“Tích hợp chăm sóc và giáo dục trẻ nhỏ” là gì? Đây là mô hình kết nối liền mạch giữa giáo dục và chăm sóc trẻ từ 0 đến 6 tuổi, nhằm tạo sự phát triển toàn diện cho trẻ nhỏ.

Nghê Tái Nam, 38 tuổi, là một kỹ sư thiết kế điện tại Thâm Quyến. Sau khi nghỉ sinh và quay lại làm việc, cô rất trân trọng cơ hội làm việc này. Cô gửi con trai 6 tháng tuổi vào lớp“nhũ nhi” tại trung tâm chăm sóc trẻ:“Nhà trẻ chỉ cách nhà 15 phút đi bộ. Lớp nhũ nhi có giáo viên chuyên trách chăm sóc trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi nên tôi rất yên tâm”.

Trước đây, nhiều trường mầm non ở Trung Quốc chỉ nhận trẻ từ 3 đến 6 tuổi. Năm 2024, phát triển dịch vụ tích hợp chăm sóc và giáo dục trẻ nhỏ đã được đưa vào hệ thống chính sách hỗ trợ sinh sản. Hiện nay, nhiều thành phố tại Trung Quốc đã mở các lớp dành riêng cho trẻ theo từng độ tuổi: lớp nhũ nhi (6 tháng – 1 tuổi), lớp nhỏ (1 – 2 tuổi) và lớp lớn (2 – 3 tuổi), cung cấp dịch vụ chăm sóc phù hợp hơn.

Lớp nhũ nhi đang ngày càng phổ biến và trở thành lựa chọn mới cho các bậc cha mẹ đi làm. Ngoài việc giúp phụ huynh yên tâm công tác, một lý do quan trọng khác khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ chọn gửi con vào các trung tâm chăm sóc trẻ em là trẻ được phát triển tốt hơn trong môi trường chăm sóc chuyên nghiệp.

Hoàng Hy, một lập trình viên làm việc trong ngành công nghệ tại Hàng Châu, chia sẻ:“Gia đình tôi nói tiếng địa phương, bà nội lại ít trò chuyện, khiến con tôi bị chậm phát triển ngôn ngữ”. Sau khi gửi con gái vào trung tâm chăm sóc trẻ, anh nhận thấy khả năng ngôn ngữ và tính tự lập của bé được cải thiện đáng kể nhờ tương tác với bạn cùng lứa.

Do tỷ lệ sinh giảm, nhiều trường mầm non ở Trung Quốc gặp khó khăn trong việc tuyển sinh, thậm chí phải đóng cửa. Ví dụ, tại thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, trước đây có hơn 500 trường mầm non, nhưng hiện nay nhiều trường đang bị bỏ trống. Trong khi đó, tình trạng thiếu người trông trẻ và chi phí thuê bảo mẫu cao vẫn là gánh nặng đối với các bậc cha mẹ trẻ.

Để giải quyết vấn đề này, Sở Giáo dục Nhật Chiếu đã quyết định tận dụng các phòng học trống trong trường mầm non để chuyển đổi thành các lớp chăm sóc trẻ nhỏ. Những trường đủ điều kiện sẽ nhận được trợ cấp 20.000 nhân dân tệ (khoảng 75 triệu đồng) cho mỗi lớp mới mở. Mỗi lớp sẽ có 3-4 nhân viên, vừa có bằng cấp giáo viên mầm non, vừa có chuyên môn chăm sóc trẻ dưới 3 tuổi.

Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc. Nhiều địa phương đã đưa việc nâng cao dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ vào danh sách những dự án phục vụ dân sinh, giúp giải quyết nỗi lo của nhiều gia đình.

Các tỉnh Sơn Đông, Tứ Xuyên đã đề ra chính sách hỗ trợ trường mầm non nhận trẻ 2 – 3 tuổi để thúc đẩy mô hình tích hợp chăm sóc và giáo dục trẻ nhỏ. Trong đó, Sơn Đông đặt mục tiêu cung cấp khoảng 100.000 chỗ gửi trẻ vào cuối năm 2025. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn khuyến khích các trường đại học và cao đẳng dạy nghề mở chuyên ngành đào tạo nhân lực cho ngành chăm sóc trẻ nhỏ.

Tỉnh Quảng Đông đang thí điểm đưa các doanh nghiệp nhà nước tham gia xây dựng hệ thống dịch vụ chăm sóc trẻ. Bắc Kinh, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của các gia đình có con từ 0 đến 3 tuổi, đang mở rộng các mô hình dịch vụ như giữ trẻ cả ngày, nửa ngày, theo giờ và theo nhu cầu ngắn hạn.

Nguồn: CMG