Sự phát triển của Trung Quốc mang lại hy vọng hợp tác đa lĩnh vực cho hai nước Trung - Việt

CRI, March 12, 2025
Size:

“Hai kỳ họp” (Lưỡng hội) là sự kiện chính trị quan trọng của Trung Quốc, thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng quốc tế. PGS. TS Trương Ngọc Nam, Nguyên Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Báo chí và Truyền thông Việt Nam, đặc biệt chú ý đến Báo cáo Công tác Chính phủ Trung Quốc do Thủ tướng Lý Cường trình bày tại lễ khai mạc Kỳ họp thứ 3 Nhân đại Toàn quốc Trung Quốc khóa XIV. PGS. TS Trương Ngọc Nam chia sẻ:“Những tín hiệu từ Hai kỳ họp của Trung Quốc không chỉ là phong vũ biểu cho cải cách nội bộ, mà còn là‘khuôn mẫu chính sách’ cho hợp tác đối ngoại— đặc biệt trên các vấn đề như chuyển đổi xanh, kinh tế số và Sáng kiến‘Vành đai và Con đường’, các nước láng giềng như Việt Nam đang nắm bắt cơ hội phát triển từ đó.”

PGS. TS Trương Ngọc Nam, Nguyên Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Báo chí và Truyền thông Việt Nam

PGS. TS Trương Ngọc Nam chỉ ra rằng, những năm gần đây, Trung Quốc đã thể hiện con đường phát triển chất lượng cao thông qua việc đẩy mạnh ngành công nghiệp năng lượng mới và xây dựng cơ sở hạ tầng số hàng đầu thế giới. Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh mục tiêu“thúc đẩy nâng cấp ngành công nghiệp xanh bằng đổi mới khoa học công nghệ”, không chỉ phù hợp với xu thế trung hòa carbon toàn cầu, mà còn cung cấp kinh nghiệm chuyển đổi có giá trị tham khảo cho các nước đang phát triển như Việt Nam. PGS. TS Trương Ngọc Nam giải thích rằng, Việt Nam phấn đấu xây dựng nền kinh tế không phát thải carbon vào năm 2050 như đã cam kết quốc tế, và kinh nghiệm của Trung Quốc trong công nghệ năng lượng mới, cơ chế tài chính xanh… có thể giúp Việt Nam tối ưu hóa phân bổ nguồn lực, đẩy nhanh xây dựng hệ thống kinh tế xanh. Các dự án điện mặt trời, điện gió, xe điện, xây dựng hệ thống logistic xuyên biên giới Trung - Việt, cũng như việc kết nối quy tắc thương mại số, đang dần trở thành hình mẫu chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh carbon thấp trong khu vực.

PGS. TS Trương Ngọc Nam cho biết, Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh tối ưu cơ cấu, mở rộng nhu cầu trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao tỷ trọng ngành chế tạo cao cấp cùng với các nhiệm vụ trọng tâm, các hướng đột phá sẽ kích hoạt sức sống mạnh mẽ của nền kinh tế. Những định hướng chính sách này vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa truyền niềm tin vào điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự tăng trưởng nhu cầu về chất bán dẫn, linh kiện điện tử của Trung Quốc tạo cơ hội để ngành sản xuất Việt Nam hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu.“Đặc biệt, những đột phá của Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện, truyền thông 5G, v.v đã cung cấp nền tảng công nghệ để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực. Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số, thanh khoản dữ liệu xuyên biên giới và xây dựng quy tắc thương mại điện tử sẽ nâng cao hơn nữa mức độ liên kết kinh tế khu vực Đông Nam Á.". Ngoài ra, việc nâng cấp thị trường tiêu dùng Trung Quốc là cơ hội quan trọng đối với Việt Nam.

PGS.TS Trương Ngọc Nam đặc biệt quan tâm đến vai trò then chốt của Trung Quốc trong việc kết nối khu vực, như đã được đề cập trong Báo cáo Công tác Chính phủ năm nay. Ông nêu rõ, tuyến đường sắt Trung - Lào và đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung (Indonesia) không chỉ rút ngắn khoảng cách địa lý, mà còn kích hoạt các hành lang kinh tế dọc tuyến. Việt Nam— một điểm nút quan trọng của"Vành đai và Con đường"— đang được hưởng lợi từ việc nâng cao hiệu quả logistics thông qua dự án đường sắt cao tốc xuyên biên giới Trung - Việt. Hợp tác vaccine và trao đổi công nghệ y tế số giữa hai nước phản ánh sự quan tâm nhân văn của“Con đường Tơ lụa sức khỏe”. Ông nhấn mạnh, các dự án này không phải là sự"cho - nhận" một chiều, mà là thực tiễn cùng thắng dựa trên nguyên tắc“cùng trao đổi, cùng xây dựng và cùng hưởng lợi”. PGS.TS Trương Ngọc Nam cho biết, mô hình sáng tạo của Sáng kiến“Vành đai và Con đường” đang định hình lại cục diện phát triển khu vực.“Con đường Tơ lụa số” thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ Đông Nam Á hội nhập thị trường toàn cầu thông qua mạng lưới dữ liệu xuyên biên giới và quy tắc thương mại điện tử; đồng thời“Con đường Tơ lụa xanh” hỗ trợ các nước ứng phó biến đổi khí hậu thông qua hợp tác năng lượng tái tạo.” Ông cho rằng, tư duy quản trị toàn cầu của Trung Quốc— đặc biệt là quan niệm“Cộng đồng chia sẻ tương lai”— đã cung cấp giải pháp bao trùm cho thế giới đa cực. Cách tiếp cận này, lấy kết nối để thúc đẩy cùng tồn tại, tương đồng cao với chiến lược“chủ động hội nhập quốc tế” mà Việt Nam đề xướng.

PGS.TS Trương Ngọc Nam nhận định, mục tiêu phát triển đến năm 2025 của Trung Quốc có giá trị tham khảo quan trọng đối với Việt Nam. Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025, đồng thời triển khai các biện pháp đột phá như phát triển khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, hoàn thiện thể chế và chính sách vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Nhìn về tương lai, PGS.TS Trương Ngọc Nam khẳng định, hợp tác Trung - Việt trong các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, an ninh khu vực… sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, mang lại phúc lợi thiết thực cho nhân dân hai nước, đồng thời đóng góp trí tuệ phương Đông vào phát triển bền vững của Đông Nam Á cũng như thế giới.

Nguồn: CMG