Sự ra đời của DeepSeek đã thu hút sự chú ý rộng rãi trên toàn thế giới. Là một mô hình lớn nguồn mở với chi phí đào tạo thấp, hiệu suất vượt trội và sử dụng miễn phí của Deepseek đã phá vỡ sự phụ thuộc quốc tế vào“mô hình lớn” trí tuệ nhân tạo và sự độc quyền của các công ty công nghệ Mỹ. Trung Quốc có những lợi thế gì trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo được thể hiện sau khi ra mắt? Vì vậy, chúng tôi đã mời ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số Việt Nam, thảo luận với chúng tôi về triển vọng hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số Việt Nam
Trong bối cảnh công nghệ AI toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ, DeepSeek của Trung Quốc đã gây ra một cơn địa chấn trong giới công nghệ và tài chính, truyền thông thế giới nhờ các giải pháp công nghệ sáng tạo và mô hình hiệu quả với chi phí thấp. Là một học giả nghiên cứu trong lĩnh vực truyền thông số tại Việt Nam, tôi cũng rất quan tâm đến DeepSeek. Tôi cho rằng thành công của DeepSeek không chỉ thể hiện sức mạnh công nghệ của Trung Quốc mà còn mang lại những gợi ý mới cho sự phát triển AI tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Theo tôi, mô hình AI nội địa Trung Quốc này đã cung cấp một mẫu hình sinh động để chúng ta nhìn nhận và hiểu rõ hơn về mô hình và con đường đổi mới của Trung Quốc. Trung Quốc kiên trì theo đuổi con đường công nghệ mở và nguồn mở, tập hợp trí tuệ từ nhiều phía, với chuỗi sản xuất hoàn chỉnh, các kịch bản ứng dụng phong phú, thị trường rộng lớn và nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này tạo thành một vòng khép kín từ công nghệ đến ứng dụng, và từ ứng dụng quay trở lại thúc đẩy đổi mới công nghệ. Chính nhờ lợi thế này, lĩnh vực AI của Trung Quốc liên tục đạt được những thành tựu đáng kể.
Theo thông tin, DeepSeek đã thể hiện khả năng đổi mới của mình thông qua việc ra mắt giải pháp nguồn mở DeepSeek-R1 với khả năng“có thể suy luận” một phần. Giải pháp này có thể giải quyết các vấn đề khoa học phức tạp ở mức độ tương đương với các công ty hàng đầu thế giới như OpenAI, nhưng với chi phí thấp hơn đáng kể. DeepSeek chỉ tiêu tốn 6 triệu USD và 2048 GPU để hoàn thành việc đào tạo mô hình AI của mình. Thành tựu này cho thấy rằng, ngay cả với nguồn lực hạn chế, các quốc gia đang phát triển vẫn có thể đạt được những bước đột phá trong lĩnh vực AI thông qua các phương pháp đổi mới.
Đối với Việt Nam, thành công của DeepSeek mang lại những bài học quan trọng. Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong lĩnh vực AI, bao gồm hạn chế về năng lực công nghệ, vốn đầu tư và nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, kinh nghiệm phát triển DeepSeek của Trung Quốc cho thấy rằng chúng ta không cần phải chạy theo mô hình tốn kém của các công ty công nghệ lớn, mà có thể tìm ra con đường đổi mới phù hợp với điều kiện của mình. Việt Nam có thể học hỏi từ mô hình chi phí thấp và hiệu quả cao của DeepSeek, kết hợp với nguồn lực và nhu cầu của mình, để tạo ra một con đường đổi mới tự chủ.
Thành công của DeepSeek không chỉ là tấm gương cho các doanh nghiệp Trung Quốc mà còn mở ra cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực AI. Trung Quốc có nền tảng công nghệ và hệ thống đào tạo nhân lực vững chắc trong lĩnh vực AI, mang lại nguồn tài nguyên học tập quý giá cho Việt Nam. Đặc biệt, các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc đã đào tạo ra một lượng lớn nhân tài trong lĩnh vực AI, những người đã đặt nền móng cho sự thành công của các doanh nghiệp như DeepSeek. Việt Nam có thể hợp tác với các trường đại học và doanh nghiệp Trung Quốc để nâng cao năng lực công nghệ của mình trong lĩnh vực AI.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể thấy rõ không chỉ học được ở các đại học phương Tây mà còn có thể học tập hiệu quả tại các trường đại học của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ thông minh (AI), bởi bản thân Trung Quốc cũng đang khẳng định rõ ràng là một cường quốc trí tuệ thông minh (AI) với những năng lực nội sinh của mình. Việc đa dạng hóa các luồng tiếp cận tri thức sẽ cho phép chúng ta học hỏi hiệu quả hơn.
Hơn nữa, Trung Quốc đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp nhận, tiêu hóa và đổi mới công nghệ, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi từ“sản xuất tại Trung Quốc” (made in China) sang“sáng tạo tại Trung Quốc” (create in China), thể hiện khả năng tự chủ công nghệ mạnh mẽ. Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Trung Quốc để nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của mình.
DeepSeek đã được ứng dụng rộng rãi tại Trung Quốc, với chi phí triển khai thấp và hiệu quả cao, phù hợp để mở rộng tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Việt Nam có thể hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, bao gồm nền tảng giao dịch trực tuyến, phân tích dữ liệu khách hàng và hệ thống hỗ trợ ra quyết định. Sự hợp tác trong các lĩnh vực này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam mà còn thúc đẩy sự tiến bộ chung của hai nước trong lĩnh vực AI. Ngoài ra, Việt Nam có thể hợp tác với Trung Quốc để xây dựng các trung tâm dữ liệu tự chủ, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ đám mây bên ngoài. Điều này không chỉ cải thiện hiệu quả xử lý dữ liệu mà còn đáp ứng tốt hơn các yêu cầu quản lý và an ninh dữ liệu của mỗi quốc gia. Có thể nói, đó chính là những cơ hội tốt và hợp lý để Việt Nam và Trung Quốc cùng nghiên cứu và phát triển các giải pháp và công nghệ trí tuệ thông minh nhân tạo mang tính ứng dụng (hơn là mang tính sản phẩm sử dụng – như các ChatGPT) gắn kết sâu vào các sản phẩm-dịch vụ, các phương tiện, các giải pháp công nghệ, các chu trình sản xuất...
Hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực AI có tiềm năng rất lớn. Với sự gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và văn hóa, hợp tác công nghệ AI sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ song phương. Việt Nam có thể thông qua hợp tác với Trung Quốc để nâng cao trình độ công nghệ trong lĩnh vực AI, đào tạo thêm nhiều nhân tài chất lượng cao và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế. Thông qua việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc, Việt Nam có thể nắm bắt tốt hơn cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ, thực hiện đổi mới công nghệ tự chủ và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Nguồn: CMG