Điện hạt nhân là nguồn điện không phát thải khí nhà kính CO2, không gây ô nhiễm môi trường và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Việc phát triển năng lượng hạt nhân đã trở thành lựa chọn chung của tất cả các nước nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Tháng 11/2024, Quốc hội Việt Nam đã đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau nhiều năm tạm dừng. Kể từ đó đến nay, công tác xúc tiến đầu tư, chuẩn bị xây dựng được đốc thúc hết sức khẩn trương, thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.
Trao đổi với Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học (GS. TSKH) Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, từ cách đây hơn chục năm, Việt Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho dự án điện hạt nhân này, tuy nhiên vì nhiều cân nhắc mà đã tạm hoãn, thay vào đó ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời... Trước nhu cầu tiêu thụ điện được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao, vừa qua Quốc hội Việt Nam đã quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận, sau 8 năm tạm dừng dự án.
“Các nguồn năng lượng hiện nay tại Việt Nam, kể cả năng lượng tái tạo, có thể không đáp ứng được nhu cầu trong nước cả về số lượng và chất lượng, nhất là khi Việt Nam cần đảm bảo năng lượng để thu hút đầu tư nước ngoài và tự sản xuất phát triển công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tương lai khác - nơi các trung tâm dữ liệu lớn đòi hỏi nguồn năng lượng lớn và ổn định. Việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và đồng thời chuyển dịch sang năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào 2050 theo cam kết tại COP26,” GS. TSKH Nguyễn Mại phân tích.
Theo vị chuyên gia, việc đưa dự án điện hạt nhân trở lại còn mở ra các cơ hội hợp tác quốc tế mới trong lĩnh vực này. Sau gần chục năm tiếp tục nghiên cứu phát triển, công nghệ hạt nhân trên thế giới đã bước vào giai đoạn an toàn hơn rất nhiều. Đáng chú ý, công nghệ lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ tư được cho là đã giải quyết dứt điểm được mối lo ngại về sự cố trong vận hành, từng là lý do khiến ngành công nghiệp hạt nhân thế giới chững lại suốt nhiều năm. Nổi bật như tháng 12/2023, Nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ 4 đầu tiên trên thế giới đã được đưa vào hoạt động thương mại tại Sơn Đông, Trung Quốc. Nhà máy điện hạt nhân Shidaowan sử dụng lò phản ứng làm mát bằng khí nhiệt độ cao, theo lý thuyết thì cho dù xảy ra sự cố đột xuất hoặc thiên tai, trường hợp mọi hệ thống thao tác ngừng hoạt động thì lò phản ứng vẫn an toàn theo các quy luật vật lý tự nhiên.
“Tại thời điểm này, công nghệ hạt nhân mới đảm bảo an ninh hơn nhiều so với cách đây 10-12 năm. Vì vậy khi Việt Nam làm điện hạt nhân thì có thể lựa chọn hợp tác với những nước có công nghệ hạt nhân an toàn nhất,” GS. TSKH Nguyễn Mại cho hay.
Khi được hỏi về triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực này, vị chuyên gia khẳng định: Từ một quốc gia phải nhập khẩu công nghệ hạt nhân, Trung Quốc hiện đã làm chủ công nghệ và đang mở rộng với tốc độ nhanh nhất thế giới. Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, tính đến 8/2024, Trung Quốc có 56 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động với tổng công suất 54,3 GW và 30 lò phản ứng khác đang trong quá trình xây dựng với tổng công suất 32,5 GW, thời gian xây dựng trung bình nhanh hơn nhiều so với các nước khác. Thậm chí, theo một nghiên cứu năm 2024 của Tổ chức Công nghệ Thông tin và Đổi mới có trụ sở tại Washington, Trung Quốc đang đi trước Mỹ 15 năm về phát triển năng lượng hạt nhân công nghệ cao.
“Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Pháp… đều là những nước mà Việt Nam có thể hợp tác. Không phải là hợp tác xây dựng cả nhà máy thì cũng là hợp tác trong một số hạng mục, vì khối lượng công việc của một dự án điện hạt nhân là rất khổng lồ, cần rất nhiều bên tham gia,” GS. TSKH Nguyễn Mại khẳng định.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, những năm gần đây Trung Quốc tăng tốc đầu tư vào Việt Nam, trong đó có rất nhiều dự án thuộc lĩnh vực năng lượng với hiệu quả tốt, được phía đối tác Việt Nam ghi nhận. Là một chuyên gia hàng đầu về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm:
“Một số người có định kiến với đầu tư từ Trung Quốc với những lập luận như ảnh hưởng đến môi trường, thiết bị máy móc không hiện đại… Tôi đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, rằng những định kiến đó là không có cơ sở. Trung Quốc là một cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới và làm chủ rất nhiều công nghệ hiện đại, hoàn toàn có khả năng cung cấp công nghệ dịch vụ chất lượng cao. Vấn đề ở đây là Việt Nam lựa chọn cái gì mà mình cần, không ai có thể ép buộc chọn thứ mà mình không muốn. Không nên có bất cứ định kiến nào với đầu tư từ Trung Quốc, thay vào đó nên chủ động hơn, lựa chọn hình thức hợp tác hiệu quả, phù hợp với lợi ích của cả hai bên”.
Điện hạt nhân là xu thế chung của thế giới trước nhu cầu năng lượng sạch, bền vững. Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường, việc sử dụng điện hạt nhân là lựa chọn tất yếu. Việc thực hiện dự án điện hạt nhân còn là cơ hội để nâng cao tiềm lực khoa học-công nghệ quốc gia, giúp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu. Nhiều chuyên gia năng lượng Việt Nam cho rằng, kinh nghiệm phong phú và chiến lược phát triển điện hạt nhân chủ động ở Trung Quốc là một trong những cơ sở tham khảo hữu ích đối với sự phát triển của ngành công nghệ năng lượng tại Việt Nam./.
Phóng viên: Thanh Xuân
Nguồn: CMG