Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong giai đoạn mới

CRI, February 15, 2025
Size:

Năm 2025 kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam, cũng là Năm giao lưu nhân văn Trung-Việt. Trong các bức điện mừng lẫn nhau, lãnh đạo hai nước nhấn mạnh việc thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung-Việt có ý nghĩa chiến lược, không ngừng đạt được những thành quả mới, đồng thời đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các nhận thức chung cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước về"Sáu hơn nữa". Làm thế nào để tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác và phát triển quan hệ song phương là vấn đề được giới học thuật Trung-Việt đặc biệt quan tâm. Nhân dịp đầu xuân Ất Tỵ, chúng tôi đã mời TS. Đặng Thị Thúy Hà, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam viết bài bình luận nhan đề“Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong giai đoạn mới" để chia sẻ những nhận định và kỳ vọng của bà về triển vọng phát triển quan hệ hai nước trong năm nay.

TS. Đặng Thị Thúy Hà, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Năm 2025 là năm đánh dấu 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc (18/01/1950-18/01/2025). Cùng với sự phát triển và thay đổi của tình hình quốc tế, khu vực cũng như tình hình nội bộ của mỗi nước, quan hệ hai nước đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng hữu nghị và hợp tác vẫn là dòng chảy chính. Đến nay, quan hệ Việt – Trung đang ở giai đoạn phát triển sâu sắc, toàn diện và thực chất.

Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc được xây dựng trong nhiều năm qua, hai nước còn có nhiều nền tảng vững chắc để thúc đẩy phát triển hơn nữa quan hệ song phương. Trước hết, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có nhiều điểm tương đồng, cùng có mục tiêu xây dựng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền. Hai bên có thể tham khảo lẫn nhau, bổ sung kinh nghiệm thực tiễn, làm phong phú kho tàng lý luận xây dựng Đảng, xây dựng CNXH của mình. Thứ hai, quan hệ Việt – Trung đã được cải thiện mạnh mẽ trong những năm qua. Năm 2023, hai bên đã xác lập“định vị mới” cho quan hệ song phương, nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Thứ ba, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong những năm qua. Việt Nam đang dần khẳng định vai trò kết nối thương mại trong khu vực và giữa châu Á với các khu vực khác. Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các tỉnh giáp biên giới như Quảng Tây, Vân Nam sẽ tạo ra một vùng kinh tế liên kết mạnh mẽ giữa hai nước.

Với những nền tảng nêu trên, trong thời gian tới, quan hệ Việt – Trung sẽ tiếp tục duy trì trạng thái phát triển ổn định theo phương châm 16 chữ, tinh thần 4 tốt và quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Hai nước sẽ tích cực thúc đẩy hợp tác, tập trung vào 6 phương hướng hợp tác lớn (6 hơn) theo thỏa thuận giữa lãnh đạo hai bên. Thông qua tăng cường giao lưu dưới các hình thức, hai bên sẽ kịp thời trao đổi về các vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương và tình hình khu vực, quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, đưa ra định hướng và chỉ đạo chiến lược đối với sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời kỳ mới.

Quan hệ hợp tác về kinh tế cũng còn nhiều dư địa phát triển. Trung Quốc là thị trường lớn với quy mô dân số hơn 1,3 tỷ người, nhu cầu tiêu dùng cao, Việt Nam là thị trường kinh tế mở có nhiều FTA, cả hai còn là thành viên của nhiều tổ chức hợp tác kinh tế đa phương như CAFTA, RCEP... tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trao đổi thương mại song phương. Các doanh nghiệp của Trung Quốc sẽ chuyển dịch đầu tư sản xuất sang Việt Nam nhằm tận dụng ưu đãi trong khuôn khổ Hiệp định. Bên cạnh đó, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn. Đáng chú ý là, từ năm 2022 đến nay, nhiều văn bản hợp tác kinh tế mới đã được ký kết, tạo tiền đề nâng tầm quan hệ kinh tế song phương, đồng thời cũng cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo hai nước trong việc thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế song phương, làm cho hợp tác song phương thực chất hơn.

Việt Nam tiếp tục là thị trường đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp Trung Quốc. Hợp tác đầu tư Việt Nam – Trung Quốc có cơ hội phát triển mạnh, một số lĩnh vực hợp tác mới, mang tính chiến lược sẽ được đẩy mạnh như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Trong đó, các dự án hợp tác đầu tư lớn, mang tính chiến lược trong lĩnh vực kết nối giao thông, cơ sở hạ tầng như 3 dự án kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn xuyên biên giới, dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh... đang rất cần có các dự án hợp tác cụ thể.

Hợp tác, giao lưu trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch sẽ diễn ra sôi nổi khi năm 2025 được xác định là“Năm giao lưu nhân văn Việt - Trung”. Các hoạt động giao lưu trao đổi qua các kênh Đảng, Nhà nước, thanh niên, địa phương... sẽ diễn ra sôi nổi nhằm hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc. Việc tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, thúc đẩy các dự án hợp tác phát triển trong lĩnh vực xã hội và dân sinh.... sẽ góp phần củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn cho quan hệ hai nước trong thời gian tới.

Việc duy trì đối thoại và quản lý các bất đồng, thúc đẩy hợp tác bền vững cùng với những hoạt động kỷ niệm, giao lưu phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực trong năm 2025 sẽ là các nhân tố quan trọng để thúc đẩy quan hệ hai nước bước sang giai đoạn phát triển mới, đạt được những thành quả ngày càng tốt đẹp hơn./.

Nguồn: CMG