RCEP - Động lực quan trọng thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới

CRI, February 12, 2025
Size:

Đã3 năm kể từ khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực toàn diện đối với 15 nước ký tham gia. Đây là Hiệp định thương mại tự do quy mô lớn nhất và quan trọng nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao phủ khoảng 30% dân số thế giới, chiếm 30% GDP toàn cầu. Kể từ khi chính thức đi vào thực thi, RCEP đã kích hoạt môi trường thương mại, đầu tư sôi động giữa các quốc gia thành viên, củng cố ngành sản xuất và chuỗi cung ứng khu vực. Ở góc độ khác, RCEP còn có tác động không thể phủ nhận trong việc thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới của Trung Quốc với khu vực và thế giới.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà Phương, công tác tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) gần đây đã có nghiên cứu về đề tài tác động của Hiệp định RCEP với việc phát triển TMĐT xuyên biên giới ở Trung Quốc. Theo nữ học giả, việc ký kết Hiệp định RCEP là thành quả hợp tác quốc tế quan trọng nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực này. Trước khi ký RCEP, Trung Quốc cũng đạt được một số kết quả nhưng chủ yếu giới hạn ở hợp tác song phương như trong các hiệp định thương mại tự do như FTA Trung Quốc – Hàn Quốc, Trung Quốc – Úc…

“Trước đây, thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đã phát triển khá nhanh nhờ quy mô thị trường, hỗ trợ chính sách của chính phủ…Việc ký kết thành công RCEP đánh dấu sự mở rộng và nâng cao hơn nữa sự tham gia của Trung Quốc trong hợp tác quốc tế về TMĐT xuyên biên giới. Lần đầu tiên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hợp tác quốc tế về TMĐT xuyên biên giới được mở rộng đến cấp độ hợp tác đa phương, với trình độ tương đối cao, tính bao trùm mạnh,” Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà Phương nói, cho biết RCEP có nhiều điều khoản khuyến khích phát triển TMĐT xuyên biên giới, giúp Trung Quốc thúc đẩy hơn nữa lĩnh vực này, từ đó nâng cao ảnh hưởng của nền kinh tế của Trung Quốc thông qua TMĐT xuyên biên giới.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà Phương, Viện Nghiên cứu Trung Quốc (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) 

Theo nhà nghiên cứu, RCEP có tính linh hoạt nhất định, thúc đẩy thương mại không giấy tờ và chứng nhận điện tử, thực hiện nguyên tắc xuất xứ tích lũy, quy tắc xác nhận trước, nội dung sở hữu trí tuệ đầy đủ, mang lại các cơ hội cho Trung Quốc như cung cấp thị trường nước ngoài rộng lớn hơn, tạo thuận lợi hơn nữa, nâng cao đáng kể hiệu quả logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới của Trung Quốc.

Trình độ phát triển của các nước trong khu vực rất khác nhau, các ngành có tính bổ sung cao, tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại là rất lớn. Tổng dân số trong khu vực RCEP lên tới 2,27 tỷ người, GDP đạt 26 nghìn tỷ đô la Mỹ, tổng lượng xuất khẩu đạt 5200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng lượng toàn cầu. Năm 2022, ASEAN là một trong hai khu vực duy nhất có doanh số thương mại điện tử tăng hơn 20%. Số lượng nhóm mua sắm trực tuyến ngày càng tăng và phạm vi của tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng cho thấy các nước ASEAN có tiềm lực phát triển thị trường rất lớn. Do năng lực sản xuất công nghiệp trong nước chưa đủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng ở các nước này có nhu cầu lớn về thương mại điện tử xuyên biên giới. Việc thành lập RCEP vừa hay đã mang lại cơ hội kinh doanh lớn tại thị trường mới nổi châu Á-Thái Bình Dương cho các doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, RCEP còn giúp thúc đẩy tính nhất quán của các chính sách TMĐT trong khu vực, tạo môi trường thể chế bên ngoài thuận lợi cho hoạt động này của các doanh nghiệp. Lần đầu tiên, các nước đạt được sự đồng thuận quan trọng về các vấn đề như truyền tải thông tin xuyên biên giới và nội địa hóa dữ liệu…

“Một trong những vấn đề lớn trong thương mại quốc tế là các chính sách, điều khoản mỗi nước không giống nhau, không công nhận lẫn nhau. Nhiều doanh nghiệp lo ngại nhất là rủi ro và bất ổn của chính sách nên thường đầu tư thận trọng. RCEP giúp giảm thiểu rủi ro kinh doanh cũng như sự không chắc chắn của TMĐT xuyên biên giới, giúp các doanh nghiệp Trung Quốc tự tin hơn khi đầu tư vào thị trường khu vực, giúp các thành viên nâng cao ý thức chiến lược và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực TMĐT, tăng cường sự tin cậy và sự công nhận lẫn nhau, tạo động lực mới cho sự phát triển của TMĐT xuyên biên giới,” học giả Việt Nam phân tích.

RCEP đã tạo ra môi trường kinh doanh trực tuyến thuận tiện hơn, có lợi cho việc phát triển số hóa các cửa khẩu và xây dựng kho bãi thông minh ở nước ngoài. Sau khi RCEP có hiệu lực, một số công ty TMĐT xuyên biên giới của Trung Quốc ở ASEAN đã có kế hoạch thành lập các chi nhánh và kho hàng ở ASEAN. RCEP không chỉ yêu cầu các biện pháp tạo thuận lợi thương mại bổ sung liên quan đến thủ tục và quy trình nhập khẩu, xuất khẩu hoặc quá cảnh đối với các doanh nghiệp ưu tiên (AEO -Authorized Economic Operator) mà còn yêu cầu các bên thúc đẩy đàm phán về việc công nhận lẫn nhau các AEO, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của TMĐT xuyên biên giới trong khu vực.

Một trong những điểm khó khăn nhất đối với thương mại điện tử xuyên biên giới vào năm 2021 chính là công tác hậu cần (logistics). RCEP quy định rõ ràng việc đơn giản hóa các quy trình vận chuyển, thủ tục hải quan, đưa ra quy tắc xác nhận trước… giúp giảm hơn nữa chi phí vận chuyển của thương mại điện tử xuyên biên giới, từ đó nâng cao hiệu quả của dịch vụ logistics xuyên biên giới của Trung Quốc, cải thiện đáng kể trải nghiệm của khách hàng.

Ở chiều ngược lại, RCEP cũng kéo theo một số thách thức và rủi ro như các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh thị trường hơn, rủi ro vi phạm luật, quyền sở hữu trí tuệ, thanh toán, thách thức về nhân tài, hậu mãi… Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, ngành TMĐT xuyên biên giới của Trung Quốc vẫn đang trong quá trình diễn biến tăng trưởng, nâng cấp và phát triển nhanh chóng nhờ mô hình kinh doanh đổi mới, sở thích độc đáo của người tiêu dùng và môi trường pháp lý được cải thiện hơn…

Học giả Việt Nam cho rằng, trong tương lai, những đột phá hơn nữa trong lĩnh vực hậu cần xuyên biên giới, thanh toán, dịch vụ, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số và thúc đẩy hợp tác khu vực... sẽ tạo ra môi trường tốt hơn cho sự phát triển TMĐT xuyên biên giới.

“Ngành này sẽ tiếp tục phát triển tại Trung Quốc, trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, giúp Trung Quốc đẩy nhanh mở cửa trình độ cao với thế giới bên ngoài, đồng thời làm sôi động hoá môi trường TMĐT xuyên biên giới trong khu vực, đưa đến nhiều bài học tham khảo cho các nước trong đó có Việt Nam,” Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà Phương kết luận./.

Phóng viên: Thanh Xuân