Trung Quốc ngày nay: Hiện đại hoá quản trị quốc gia của Trung Quốc và một số gợi mở cho Việt Nam

CRI, January 25, 2025
Size:

Hiện đại hoá quản trị quốc gia là bộ phận cấu thành quan trọng trong hiện đại hoá kiểu Trung Quốc, có ý nghĩa then chốt đối với việc thúc đẩy mục tiêu xây dựng thành công cường quốc hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa (XHCN) vào giữa thế kỷ này của Trung Quốc. Là một học giả có nhiều nghiên cứu về hiện đại hoá quản trị quốc gia của Trung Quốc, Tiến sĩ Trần Ánh Tuyết, Viện Nghiên cứu Trung Quốc (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, đây là phương thức quản lý hiện đại, khoa học gắn liền với điều kiện thực tiễn, thích ứng với yêu cầu xây dựng hiện đại hoá XHCN trong thời đại mới.

Trên cơ sở kiên trì sự chỉ đạo của Chủ nghĩa Mác, thúc đẩy thực hiện Trung Quốc hoá, thời đại hoá Chủ nghĩa Mác và kế thừa tư tưởng chiến lược về hiện đại hoá đất nước qua các thời kỳ, Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc do Tổng bí thư Tập Cận Bình làm hạt nhân đã không ngừng đổi mới nhận thức về quản trị quốc gia, vận dụng quan điểm mới về quản trị quốc gia để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển trong thời đại mới với những vấn đề mới, tình hình mới. Theo TS. Trần Ánh Tuyết, những nhận thức và quan điểm về hiện đại hoá quản trị quốc gia tuy vẫn đang trong quá trình tiếp tục tìm tòi và vận dụng sáng tạo dựa trên tình hình thực tiễn, song có thể khái quát như sau: Hiện đại hóa quản trị quốc gia của Trung Quốc là ĐCS Trung Quốc đoàn kết, lãnh đạo nhân dân duy trì và hoàn thiện chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc, đi sâu cải cách thể chế, cơ chế không phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, không ngừng hoàn thiện hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia để thực hiện quản trị đất nước khoa học, dân chủ, hợp pháp và hiệu quả hơn. Hay nói cách khác, mục tiêu của hiện đại hoá quản trị quốc gia là thông qua hoàn thiện thể chế thúc đẩy đổi mới phương thức quản trị, làm cho các hoạt động của đất nước có thể vận hành trong khung khổ pháp trị, đồng thời phát huy vai trò chủ thể giữa các bên, thúc đẩy sự tham gia cùng quản trị xã hội của công dân, cuối cùng đạt được mục tiêu phát triển toàn diện con người và xã hội. 

“Hiện đại hóa quản trị quốc gia của Trung Quốc trước hết lấy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia làm cơ sở quan trọng. Xét về mục đích cơ bản, tìm kiếm hạnh phúc cho người dân và phục hưng dân tộc Trung Hoa được coi là giá trị cốt lõi của hiện đại hóa quản trị quốc gia của Trung Quốc. Từ góc độ phát triển, có một mối tương quan tích cực giữa trình độ hiện đại hóa quản trị quốc gia và trình độ hiện đại hóa kiểu Trung Quốc,” nữ học giả cho hay.

TS. Trần Ánh Tuyết, Viện Nghiên cứu Trung Quốc (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, ĐCS Trung Quốc đã coi thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia là nhiệm vụ tổng thể của đi sâu cải cách toàn diện. Chính vì vậy, từ sau Đại hội XVIII đến nay, Trung Quốc đã đặc biệt đặt trọng tâm vào các nhiệm vụ cụ thể như: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN, đi sâu cải cách bộ máy Đảng và nhà nước, tăng cường giám sát và hạn chế quyền lực hành chính; coi trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước; tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện quản lý đất nước theo pháp luật một cách toàn diện, ưu hoá phương thức quản trị của Chính phủ thông qua chuyển đổi số, v.v...

Đánh giá về kết quả thúc đẩy hiện đại hoá quản trị quốc gia của Trung Quốc, TS. Trần Ánh Tuyết cho rằng, kể từ sau Đại hội XVIII, ĐCS Trung Quốc đã thúc đẩy thực hiện hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia, chuyển hóa tốt hơn lợi thế về chế độ của đất nước thành hiệu quả quản trị. Việc thiết lập cơ bản các khuôn khổ chế độ đã góp phần định hình lại hệ thống và tái cơ cấu tổng thể trên nhiều lĩnh vực, chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc đã thể hiện rõ nét hơn và được củng cố vững chắc hơn, trình độ hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia được nâng cao. 

“Những ưu điểm của chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc đã được thể hiện đầy đủ trong việc giành thắng lợi trong cuộc chiến xoá đói giảm nghèo, xây dựng xã hội khá giả toàn diện và chống lại đại dịch COVID-19 thời gian vừa qua. Đây cũng chính là kết quả của quá trình Trung Quốc đã không ngừng đổi mới nhận thức, đổi mới biện pháp thúc đẩy hiện đại hóa quản trị và năng lực quản trị quốc gia, nỗ lực loại bỏ những thiếu sót của các thể chế và cơ chế trên mọi lĩnh vực,” nữ học giả nhận định.

Từ kinh nghiệm thực hiện hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia của Trung Quốc, TS. Trần Ánh Tuyết cũng đưa ra một số kiến nghị đối với công tác này của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam có thể tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, chuyển đổi phương thức phát triển phải chú trọng xử lý các mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường và xã hội; giữa cải cách, phát triển và ổn định; giữa kinh tế với chính trị và xã hội; cũng như đi sâu cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát huy hiệu quả vai trò hỗ trợ chiến lược của kinh tế nhà nước nhưng đồng thời phải chú trọng phát triển kinh tế tư nhân. Công tác cải cách bộ máy Đảng và Nhà nước cũng cần được chú trọng đi sâu, tiếp tục xây dựng và kiện toàn thể chế nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao năng lực cầm quyền để bảo đảm đảng lãnh đạo việc quản trị tốt đất nước lâu dài, hiệu quả và sự lãnh đạo của đảng cần được thực hiện xuyên suốt trong quá trình quản trị quốc gia; thực hiện“quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện”, đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, suy thoái và ngăn chặn các nguy cơ phương hại đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, v.v...

Phóng viên: Thanh Xuân

Nguồn: CMG