Lễ “Thất Tịch”: Những cặp vợ chồng Trung-Việt chung sống hạnh phúc trên đất Trung Hoa

CRI, August 16, 2021
Size:

Tình yêu là đề tài muôn thủa. Từ lâu trong dân gian, lễ“Thất Tịch” mùng 7 tháng 7 Nông lịch được người dân quan niệm là“Ngày Tình Yêu” của Trung Quốc. Đêm nay, nếu bạn ngẩng đầu nhìn lên bầu trời cao lồng lộng, mặc dù cái nóng chưa tan, nhưng phải chăng bạn như cảm thấy có một luồng gió mát thoảng qua, khiến bạn cảm thấy một thoáng khuây khỏa, rồi hướng vọng một mối tình lãng mạn, hoặc muốn nghe câu chuyện về tình yêu nhỉ?

Ngày 14/8 vừa khớp lễ“Thất Tịch”, vậy nên chúng tôi giới thiệu các bạn làm quen với vài cặp vợ chồng xuyên quốc gia Trung-Việt đang sống hạnh phúc bên nhau, tìm hiểu bí quyết thành công xây dựng tổ ấm hôn nhân êm đềm của họ đang sống tại Trung Quốc.

“Xin chào các bạn, tên tôi là Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, một người phụ nữ Việt Nam hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Châu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tôi đã thành lập gia đình được 9 năm, lễ Thất tịch năm nay là lễ Thất tịch thứ 10 tôi và chồng tôi ở bên nhau, một quãng thời gian không hề ngắn nhưng cũng không phải quá dài.

Nhớ lại ngày đầu tiên gặp mặt, cô bé sinh viên năm cuối đại học cầm bộ hồ sơ đi xin việc bằng tiếng Anh. Công ty chồng tôi lúc đó là nhà thầu xây dựng Trung Quốc tại công trình khách sạn Marriott Hà Nội, anh cũng chính là người trực tiếp phỏng vấn tôi. Rồi sau này khi được nhận vào công ty làm việc, cũng chính chàng trai đó – cấp trên trực tiếp của tôi đã tận tình hướng dẫn và giúp đỡ tôi rất nhiều trong công việc. Tình cảm của chúng tôi cũng dần phát triển từ mối quan hệ đồng nghiệp ấy.

Năm 2020, tôi nhận được thẻ xanh – tấm chứng minh thư dành cho người nước ngoài sống lâu năm ở Trung Quốc và cũng bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp thạc sỹ. Cũng trong năm này, chúng tôi cũng đã mua được ngôi nhà của chính mình tại đây. Tôi cũng đăng ký học thêm bằng lái xe, việc khá khó khăn cho người nước ngoài ở Trung Quốc, để tiện cho việc đi làm và tự lập trong việc di chuyển ở đây.”

Giờ đây, các con cũng đã lớn, tôi cũng đã học xong, đã có thể chính thức đi làm, khả năng và ngôn ngữ đã có nhiều bước tiến so với chính mình của những ngày đầu hôn nhân. Con đường đã chọn có thể so với những cuộc hôn nhân cùng quê vất vả hơn rất nhiều, nhưng tôi chưa khi nào hối hận. Vì người bạn đồng hành của tôi luôn dành cho tôi những sự yêu thương và trân trọng, như chính cái khom mình khi anh bắt tay tôi ngày đầu gặp nhau. Vì chúng tôi luôn nỗ lực hết mình cho sự lựa chọn của chính mình, vì chúng tôi luôn muốn tìm ra câu trả lời và giải pháp thay vì đổ lỗi hay than thân trách phận, và vì một tôi của hôm nay luôn muốn tốt hơn tôi của ngày hôm qua một chút…

Tôi mong muốn, trong tương lai, khi chúng ta đã khống chế được dịch và tình hình thế giới cũng đã khác đi rất nhiều, tôi sẽ đưa hai con về Việt Nam và đưa chúng đi dọc đất nước nơi đã sinh ra mẹ chúng, cảm nhận cuộc sống và con người nơi đây nhiều hơn nữa. Khi con cái lớn hơn chút nữa, xa rời chúng tôi, tôi cũng mong có thể cùng anh đi đến những nơi chúng tôi muốn, hay chỉ đơn giản là sau này khi về già, có thể cùng anh sáng đi tập dưỡng sinh, rồi đi chợ mua đồ ăn gói món bánh sủi cảo anh thích hay nấu món bún Việt Nam tôi thích, cùng nhau gật gù tận hưởng cuộc sống này, như chúng tôi đã dành cả cuộc đời để làm cùng nhau vậy…”

“Xin chào các bạn, tôi tên là Lê Thị Kim Cương, một cô gái Việt Nam hiện đã thành lập gia đình tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

‘Lấy chồng Trung Quốc’,‘Cô dâu Việt Nam’… Tôi đã nghe quá nhiều những câu đại loại như nhưng tôi không quan tâm, điều tôi quan tâm hiện giờ là chọn quà Thất tịch và quà sinh nhật cho ông xã mình.

Chúng tôi gặp nhau lần đầu vào giữa năm 2013 khi anh được cử đến Việt Nam tham gia dự án của công ty,‘Hữu duyên thiên lí năng tương ngộ’, cơ duyên thế nào mà trường tôi theo học lại nằm ở thành phố quê anh và chúng tôi đã gặp lại nhau trong trận tuyết đầu tiên của năm 2016. Có người nói‘Người bên bạn khi tuyết rơi đầu mùa sẽ ở bên bạn suốt đời’ và tôi nghĩ nó quá đúng với trường hợp của chúng tôi.

Do tính chất công việc, chúng tôi thường xuyên đi lại giữa hai nước, chúng tôi cũng dành nhiều thời gian đưa bé về thăm gia đình hai bên, mọi chuyện đều suôn sẻ cho đến khi dịch Covid-19 bùng phát.

Áp lực công việc, con cái kể cả áp lực vô hình về tương lai dần biến tôi thành một‘con nhím’, còn anh khá vô tư và lạc quan nên đã biến thành‘kẻ vô tâm’ trong mắt tôi. Nhưng ưu điểm của tôi là dễ thích nghi, nóng tính nhưng có chừng mực, còn anh vô tâm đúng chuẩn‘trai kỹ thuật’ nhưng giỏi‘nhịn’ khi vợ‘phóng gai’. Chữ‘nhẫn’ đã giúp chúng tôi bên nhau 8 năm nay, anh nhẫn nại với những phút bốc đồng của tôi còn tôi cũng luôn học cách nhẫn nại biểu đạt. Nhưng điều quan trọng nhất có lẽ là do chúng tôi quá hiểu về nhau, chúng tôi là vợ chồng nhưng cũng là những người bạn thân có thể ngồi tâm sự với nhau suốt mấy tiếng đồng hồ.

Tôi hiện đang bận rộn với một số dự án nghiên cứu quan trọng về ứng dụng AI trong dịch thuật Trung-Việt, áp lực ngày càng lớn nhưng tôi sẽ cố gắng hết mình vì sau lưng tôi có một thiên thần nhỏ đáng yêu làm động lực, có người thân và bạn bè ủng hộ và quan trọng là có một anh xã lạc quan, dịu dàng, đáng tin cậy.

Chúc mọi người Thất tịch vui vẻ! Chúc những người có duyên cuối cùng sẽ được bên nhau.”

Trên đây là câu chuyện tình yêu lãng mạn của bạn Nguyễn Thị Ánh Nguyệt và bạn Lê Thị Kim Cương. Tin rằng hai nước Trung-Việt chúng ta có nhiều cặp đôi hạnh phúc như bạn Nguyệt và Cương. Đài phát thanh Quốc Tế Trung Quốc từng làm nhịp cầu Chim Thước nối tình yêu và đã thành công cho nhiều cặp đôi thíng giả. Nhân“Lễ Thất Tịch”, Ngày Tình yêu Trung Quốc, cầu mong các bạn trẻ chưa yêu sẽ sớm gặp được một nửa của mình, rồi xây đắp tình bạn, trở thành tình yêu, đan dệt những mối tình lãng mạn và đẹp đẽ, rồi nên vợ nên chồng sống hạnh phúc bên nhau.